3 điều thú vị về rượu Hồng Đào – Bạn đã biết?

Đã từ rất lâu đời nay không biết chính xác tự bao giờ, rượu Hồng Đào luôn được lưu truyền như một “mỹ tửu” của miền đất Quảng Nam. Ông cha ta có câu ca dao gắn liền với loại rượu này và được truyền miệng đến ngày nay “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm – Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say“.

Ai là người con xứ Quảng đều tự hào vì con người và đặc sản quê hương. Đây là một loại rượu sánh ngang với các mỹ tửu như rượu Bàu Đá của Bình Định, rượu cần của Tây Nguyên,…. Nếu ai có dịp đặt chân đến Quảng Nam hãy một lần thử trải nghiệm hương vị cay nồng và thơm của rượu Hồng Đào nhé.

Những điều thú vị về rượu Hồng Đào
Những điều thú vị về rượu Hồng Đào

>> Xem thêm:

Sự tích của rượu Hồng Đào trứ danh xứ Quảng

Theo lưu truyền, ngày xưa tại vùng quê Gò Nổi, Điện Bàn thuộc tỉnh Quảng Nam, có một gia đình nọ chỉ có hai cha con sống cùng với nhau. Người con gái họ Nguyễn, tên Hồng Đào tầm tuổi mười tám đôi mươi, tính tình dịu dàng, đoan trang, hiền thục và nổi tiếng xinh đẹp nhất vùng thời bấy giờ.

Hồng Đào rất chịu khó, siêng năng, thạo trồng lúa, trồng dâu, dệt lụa và đặc biệt là nấu rượu. Hằng ngày, vào mỗi buổi chiều sau khi việc đồng áng đã xong, cô vẫn chăn tằm, dệt lụa và phụ giúp cha bán rượu. Rượu do cha cô nấu luôn mang một hương thơm đặc trưng mà ai uống vào khó có thể quên.

Ông nấu rượu từ gạo còn nguyên cám, kết hợp với những quả đào chín mọng, ủ trong chum sành và được mang đi chôn dưới đất. Khi mở rượu ra, nước rượu trong vắt, có màu hồng nhạt và một mùi thơm ngây ngất. Chính vì vậy, người ta truyền tai nhau đến mua và dần dần rượu Hồng Đào trở thành một đặc sản nổi tiếng của xứ Quảng cho đến ngày nay.

Rượu Hồng Đào xứ Quảng
Rượu Hồng Đào xứ Quảng

Cách nấu rượu Hồng Đào ngon

Chuẩn bị nguyên liệu

– Lúa: loại mới gặt dưới 3 tháng, đem đi xay trong cối tre cho tróc vỏ trấu và giữ lại hạt nguyên cám, thường sử dụng lúa Nếp Hồng trồng ở khu vực Bà Rén thuộc tỉnh Quảng Nam.

– Đào: cần phải lựa chọn những quả đào tươi, căng tròn, chín mọng, không bị dập nát, rửa sạch và thái lát mỏng, không bị sâu.

– Men ủ rượu: men lá cổ truyền của vùng đất Quảng Nam.

Cách nấu rượu

– Lúa sau khi đem đi xay sẽ thu được hạt gạo chắc, tròn, màu trắng đục ngả xanh còn nguyên vỏ cam. Sau đó đem nấu thành cơm, hạt cơm để nấu rượu Hồng Đào không được nở to, bề mặt hạt trơn bóng.

– Cơm phải được để thật nguội, sau đó trộn cơm với một lượng men lá vừa đủ và đem ủ trong chum sành khoảng một tuần. Men tự nhiên trong lá sẽ chuyển hóa cơm thành rượu. Rượu lúc này có mùi thơm nồng đặc trưng của lúa mới còn nguyên cám.

– Sau một tuần, ủ tiếp rượu vừa được chưng cất với những lát đào chín mọng thơm phức trong chum sành và chôn dưới đất ít nhất 100 ngày mới thu được thành quả. Rượu Hồng Đào sau khi được đào lên trong vắt, có màu hồng nhạt và mùi thơm của gạo kết hợp với đào ngây ngất lòng người.

Rượu Hồng Đào hương vị thế nào?
Rượu Hồng Đào hương vị thế nào?

Công dụng của rượu Hồng Đào

Rượu Hồng Đào được coi là một loại thức uống đậm tình, mộc mạc và thường có trong những bữa ăn dân dã của người dân quê. Uống 1 ly rượu Hồng Đào khai vị sẽ giúp kích thích vị giác làm người uống cảm giác ăn ngon miệng hơn, mùi thơm của rượu giúp tinh thần sảng khoái hơn.

Ngoài ra, rượu Hồng Đào còn có tác dụng làm thuốc, bổ dưỡng máu huyết, bổ thận, tốt cho hệ tiêu hóa,… Rượu được để trong nhiều loại bình từ giản dị đơn sơ đến sang trọng. Hầu như người dân xứ Quảng thường dùng rượu Hồng Đào cho các dịp cưới hỏi, lễ Tết,…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *